Ngoài yếu tố khách quan một số yếu tố chủ quan do thói quen hoặc chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu thêm chóng mặt
Khi mang thai, hệ thống tim mạch của mẹ bầu có sự thay đổi, nhịp tim tăng lên, lượng máu cũng được tăng lên gây ra sự thay đổi thường xuyên của huyết áp và dẫn đến tình trạng chóng mặt. Tuy nhiên, ngoài yếu tố khách quan một số yếu tố chủ quan do thói quen hoặc chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu thêm chóng mặt
Sau đây mời các mẹ cùng tìm hiểu xem những nguyên nhân đó là gì để tìm cách khắc phục và tránh được hiện tượng chóng mặt nhé!
1. Đứng dậy quá nhanh

Đứng dậy quá nhanh khiến bà bầu dễ bị chóng mặt
Vào thời kỳ mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ việc di chuyển hay đứng lên, ngồi xuống đều bị hạn chế và nên thực hiện từ từ. Đặc biệt, khi ngồi lâu ở một chỗ, máu trong cơ thể của mẹ dồn về phía bàn và bắp chân. Do đó, nếu đứng dậy độ ngột, máu ở chân vẫn chưa thể di chuyển được về tim làm huyết áp giảm nhanh đột ngột và gây choáng.
Để hạn chế được việc này, mẹ bầu nên đứng dậy từ từ hoặc đứng im một chỗ trong vòng ít phút cho máu lưu thông rồi mới di chuyển. Ngoài ra, trước khi đứng hay ngồi dậy có thể massage chân nhẹ nhàng rồi mới dậy. Nếu phải ngồi một chỗ quá lâu nên làm các động tác cử động chân, tránh mặc quần áo quá chật để giúp máu lưu thông được dễ dàng hơn.
2. Nằm ngửa

Nằm ngửa khiến bà bầu khó thở và dễ bị chóng mặt
Khi bước vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, thai nhi phát triển làm cho kích cỡ bụng mẹ cũng to ra gây nên áp lực cho các động mạch chủ và khung xương của mẹ. Trong giai đoạn này, nằm ngửa là tư thế có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng cho mẹ bầu. Nguyên nhân là khi nằm ngửa, nhịp tim tăng lên, huyết áp giảm làm cho mẹ bầu cảm thấy khó chịu, buồn nôn và choáng váng.
Do đó, theo các bác sĩ tư thế tốt nhất cho mẹ bầu là nên nằm nghiêng và nên dùng một chiếc gối nhỏ đặt dưới hông để giúp cho mẹ thoải mái và dễ thở hơn.
3. Thiếu chất dinh dưỡng
Thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân gây hạ đường huyết dẫn đến choáng váng, hoa mắt và có thể khiến mẹ bầu ngất xỉu.
Do đó, để đối phó với tình trạng này mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để mẹ khỏe mạnh và bé phát triển tốt nhất.
4. Thiếu máu

Thiếu máu khiến bà bầu mệt mỏi, choáng váng
Trong thai kỳ, mẹ bầu cần một lượng máu rất lớn để nuôi thai nhi và duy trì sức khỏe cho mẹ. Nếu thiếu máu, mẹ sẽ có ít hồng cầu để cung cấp oxy cho não, bào thai và các cơ quan khác trong cơ thể.Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng thiếu máu. Do đó, mẹ cần chú ý bổ sung sắt đầy đủ qua các loại thực phẩm giàu sắt và viên uống, nhất là trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ.
Các mẹ bầu cần chú ý khi có bất kỳ biểu hiện hoa mắt, chóng mặt nên nhẹ nhàng ngồi xuống một chỗ. Nếu đang lái xe, bạn cũng cần từ từ dùng xe lại, tránh dừng đột ngột vì có thể gây tai nạn. Đồng thời, mẹ cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể khỏe khoắn và tránh được các triệu chứng thường gặp khi mang thai.
Minh Trang