Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng chỉ phát huy tốt vai trò và tác dụng của mình khi có chế độ ăn khoa học, liều lượng hợp lý. Và mức liều lượng sữa chua đối với các bé trong độ tuổi khác nhau cũng có sự khác biệt rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia, đối với các bé từ 6 – 10 tháng nên bổ sung cho các bé khoảng 50g/ngày, còn các bé từ 1 – 2 tuổi nên 80g/ngày. Còn 100 g/ ngày là mức hợp lý đối với các bé trên 2 tuổi
Sữa chua được biết đến là một loại thực phẩm rất có lợi cho hệ tiêu hóa, các lợi khuẩn trong sữa chua có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn có hại, ngăn ngừa các bệnh đường ruột, bổ sung acid cho dạ dày giúp cho hệ tiêu hóa tốt hơn.
Nhưng để tận dụng được hết hiệu quả sữa chua mang lại cho cơ thể bé mẹ cần chú ý một số điểm sau đây:
1. Độ tuổi bắt đầu cho ăn
Theo các bác sĩ, thời điểm cho bé ăn sữa chua tốt nhất chính là giai đoạn 6 – 7 tháng và một số bác sĩ cũng khuyên răng nên cho bé ăn sữa chua như một trong những món ăn dặm đầu tiên. Tuy nhiên, do dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn yếu, nhất là đối với các bé chỉ mới tiếp xúc với sữa mẹ thì việc cho bé ăn sữa chua trong lần đầu chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 – 2 thìa nhỏ. Sau đó, mẹ có thể từ từ nâng số lượng lên để bé kịp thích nghi và tiêu hóa.
2. Thời điểm cho ăn trong ngày
Thời điểm cho bé ăn sữa chua cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp sữa chua phát huy tối đa tác dụng của nó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các lợi khuẩn có trong sữa chua chỉ tồn tại ở điều kiện pH lớn hơn hoặc bằng 5,4. Khi no, độ pH của dạ dày nằm trong ngưỡng 3 – 5, đây là môi trường tạo điều kiện cho các lợi khuẩn phát triển tốt nhất.Còn khi đói độ pH trong dạ dày giảm xuống chỉ bằng 2, các lợi khuẩn sẽ bị tiêu diệt hoặc giảm tác dụng đối với cơ thể.
Do đó, mẹ không nên cho các bé ăn sữa chua khi đói mà nên cho các bé ăn sữa chua sau bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng, buổi tối hoặc trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng.
3. Liều lượng
Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng chỉ phát huy tốt vai trò và tác dụng của mình khi có chế độ ăn khoa học, liều lượng hợp lý. Và mức liều lượng sữa chua đối với các bé trong độ tuổi khác nhau cũng có sự khác biệt rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia, đối với các bé từ 6 – 10 tháng nên bổ sung cho các bé khoảng 50g/ngày, còn các bé từ 1 – 2 tuổi nên 80g/ngày. Còn 100 g/ ngày là mức hợp lý đối với các bé trên 2 tuổi.
Có nhiều quan niệm cho rằng, sữa chua có nhiều tác dụng như vậy thì ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Bởi vì, sự bài tiết các chất trong dạ dày sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, gây cảm giác thèm ăn, lạnh bụng nếu cho trẻ ăn quá nhiều sữa chua.
Để vừa có thể đảm bảo cho sữa chua hấp thụ được tốt, vừa giúp trẻ ăn ngon miệng mẹ có thể kết hợp cho trẻ ăn kèm một số loại như dâu tây, chuối, bơ, bánh mỳ, bánh bao… Tuy nhiên, mẹ cũng cần chú ý tuyệt đối không cho trẻ ăn sữa chua kèm với xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm đông lạnh vì có thể gây táo bón, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, các bệnh dạ dày…
4. Không hâm nóng sữa chua
Sữa chua chỉ phát huy hết tác dụng khi ở trong môi trường pH và nhiệt độ thích hợp. Đặc trưng của sữa chua chính là sử dụng tốt nhất khi ăn lạnh vì khi đó các lợi khuẩn mới có điều kiện phát huy tốt công dụng của mình. Do vậy, khi mua sữa chua về cho bé, mẹ đừng quên cất vào ngăn mát của tủ lạnh, trước khi cho bé ăn nên đưa ra trước 10 – 15 phút cho bớt lạnh.
Mẹ cần nhớ, tuyệt đối không hâm nóng hoặc cho thêm nước nóng vào sữa chua vì sữa chua sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể.
5. Vệ sinh răng miệng cho bé ngay sau khi ăn
Giống như các loại sữa, bánh kẹo khác, trong sữa chua cũng có chứa một lượng đường đáng kể. Đồng thời trong quá trình ăn các mảng bám của sữa chua đọng lại trong các kẻ răng cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn gây hại cho răng phát triển và làm hỏng răng. Thêm vào đó, vi khuẩn có lợi có trong sữa chua nếu sót lại trong miệng cũng rất dễ làm hỏng men răng của bé.
Do đó, để hạn chế sâu răng và hỏng men răng, mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước lọc hoặc đánh răng ngay sau khi ăn sữa chua xong.
Bảo Hà