Làm thế nào để chọn đồ chơi cho trẻ mầm non vừa giúp bé chơi, vừa giúp bé phát triển toàn diện là điều mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Bởi khi bé bước vào độ tuổi mầm non, bé không những trở nên tinh nghịch, khó chiều mà còn luôn muốn nhận được sự chú ý từ người khác. Hiểu được điều đó, bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin để bạn có thể lựa chọn được cho con mình những món đồ chơi ưng ý nhất.
Đặc điểm của trẻ mầm non
Về thể chất, trẻ mầm non có thể lực khá tốt và khả năng vận động cũng được hoàn thiện hơn xưa. Do đó, bé thường thích chơi những món đồ chơi vận động có tác dụng tăng cường thể chất như đá bóng, cầu trượt, đạp xe,.. Đồng thời, lúc này bé luôn có sự tò mò và hứng thú đối với việc khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bạn luôn thấy trẻ em ở độ tuổi này thường thích nghịch đất, cát hay những trò chơi liên quan đến nước.
Về tinh thần, trẻ mẫu giáo đã bắt đầu ý thức được tính cách của bản thân và luôn muốn thể hiện nó với người lớn. Bé cũng thích bắt chước người khác, muốn được ba mẹ công nhận vai trò của mình và bắt đầu thích những trò chơi tập thể – nơi bé được giao lưu, tương tác với mọi người và nhận được nhiều sự chú ý từ người khác.
Nguyên tắc chọn đồ chơi cho trẻ mầm non
Đồ chơi phải là món đồ mà bé thích: Tự quyết định mua đồ chơi không cần hỏi ý kiến của con là thói quen của nhiều ông bố bà mẹ. Điều này có thể áp dụng đối với những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn nhưng không nên áp dụng với trẻ mẫu giáo bởi ở giai đoạn này, bé thường có cái “tôi” rất cao. Từ đó, nếu không quan tâm đến ý kiến và sở thích của bé có thể dẫn đến tình trạng đồ chơi mua về nhưng không được bé sử dụng, gây ra sự lãng phí lớn. Vì vậy, bạn nhớ hỏi ý kiến của con trước khi mua đồ chơi cho bé nhé!
Đồ chơi phải an toàn: Vì trẻ mầm non rất tinh nghịch và hiếu động nhưng lại chưa có sự nhận thức đầy đủ về sự an toàn của bản thân nên khi mua đồ chơi cho con, bạn phải quan tâm đến độ an toàn của chúng. Bạn nên mua những món đồ chơi có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có cạnh sắc, nhọn và không có kích thước quá nhỏ. Như vậy, con bạn sẽ được bảo đảm an toàn khi chơi.
Đồ chơi phải có tính giáo dục: Đồ chơi có tính bạo lực hay phản giáo dục tuyệt đối không được xuất hiện ở tủ đồ chơi của bé. Thay vào đó, bạn nên chọn cho bé những món đồ chơi có tác dụng phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sự sáng tạo và những kỹ năng xã hội cần thiết khác.
Một số đồ chơi phù hợp với trẻ mầm non
Đồ chơi giúp bé phát triển thể chất: Bóng đá, bóng rổ, cầu trượt, xe đạp mini, bể bơi phao,… Với những món đồ chơi này, bé vừa có được những phút giây giải trí vui vẻ, vừa được rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể chất và tinh thần. Nếu có điều kiện, bạn nên để bé chơi với những bạn bè đồng trang lứa để giúp bé học những kỹ năng hợp tác, phối hợp hay cạnh tranh.
Đồ chơi giúp bé phát triển tư duy: Đồ chơi lắp ráp, ghép hình, xếp hình, đồ chơi toán học,… Trước khi cho bé chơi những món đồ chơi này, bạn cần hướng dẫn bé và cho bé làm quen với chúng. Sau đó, con bạn sẽ có thể tự chơi một mình.
Đồ chơi giúp bé thêm sáng tạo: Sách, đồ chơi thủ công, đồ chơi đóng vai,… Đây đều là những món đồ chơi giúp bé thêm khéo léo, tự tin, kích thích khả năng tư duy, sáng tạo và trí tưởng tượng của bé. Do đó, bạn đừng quên mua cho bé những món đồ chơi này nhé!
Phú Lâm