Tuy là chiếc tablet Android tốt nhất hiện nay, nhưng việc thiếu mất một số tính năng chủ chốt khiến cho Xoom chưa thể cạnh tranh công bằng cùng với iPad.
Ưu điểm: Chạy trên nền tảng Android 3.0 mới nhất. Hiệu suất đáng nể. Có khe cắm thẻ mở rộng MicroSD. Thiết kế chắc chắn.
Hạn chế: OS mới vẫn chưa ổn định. Xử lý hình ảnh chưa được tốt trong Gallery.
Giá tham khảo: 16.000.000 VND
Thiết kế
Đây là chiếc tablet đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android 3.0 (tên mã ‘Honeycomb’) của Google. Xoom có nhiều tính năng được đánh giá cao nhưng nó cũng có những yếu điểm đáng phải lưu tâm. Trước hết là giá bán của nó. Với mức giá 800USD, Xoom là chiếc tablet “quý tộc” nhất hiện nay. Chiếc iPad2 mới ra mắt đình đám của Apple, tuy cấu hình thấp hơn nhưng hiển nhiên vẫn được liệt vào hàng “siêu phẩm” và cũng chỉ có giá khoảng 500USD. Rõ ràng sự chênh lệch là quá lớn, và cái ngưỡng 800USD thường vượt quá túi tiền của đại đa số người tiêu dùng.
Xoom sử dụng Android 3.0, hệ điều hành nhanh nhất của Google hiện nay với nhiều cải tiến đáng kể. Khả năng tùy biến của Android 3.0 được mở rộng với màn hình chính, tiện ích, máy phát nhạc, trình duyệt, e-mail, và thậm chí là cả YouTube. Tuy nhiên, Android 3.0 lại thiếu mất phần mềm Adobe Flash 10.2, vốn hứa hẹn sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Xoom mang phong cách thiết kế đẹp và thời trang. Kết cấu của máy rất chắc chắn; các nút âm lượng và nguồn dễ thao tác; cạnh phía trên cùng của máy được phủ lớp cao su mềm mại và các cạnh khác được làm bằng thép vững chắc. Xoom được thiết kế sử dụng theo chiều ngang, và như vậy, bạn sẽ cần tới hay tay để cầm và thao tác trên máy. Tablet có camera 2 megapixel ở mặt trước đóng vai trò như webcam. Loa stereo được bố trí ở phía sau, các cổng micro-USB và HDMI-mini ở cạnh dưới, nút nguồn ở đằng sau cùng với camera 5 megapixel.
Xoom được trang bị vi xử lý Tegra 2 của Nvidia với chip 1GH lõi kép, RAM 1GB, bộ nhớ trong 32GB. Khe cắm thẻ MicroSD cho phép người dùng tăng gấp đôi dung lượng lưu trữ, tuy nhiên kẹt ở chỗ nó vẫn chưa sử dụng được mà phải chờ Google ra bản nâng cấp. Màn hình10,1-inch của Xoom có độ phân giải 1280 x 800 pixel, tỉ lệ màn hình rộng 16:9 tiện lợi cho giải trí nhưng sẽ gây khó khăn cho những ai đã quen sử dụng màn hình 4:3, như của iPad 9,7-inch chẳng hạn. Tuy nhiên, khi cầm Xoom bằng hai tay bạn sẽ cảm thấy thích thú vì sự tiện lợi của nó. Cũng giống như thế hệ iPad đời đầu, Xoom nặng 725g khiến cho người dùng khó có thể sử dụng một tay.
Mới chỉ là “tốt nước sơn”
Về chất lượng màn hình, có vẻ như Xoom không thuyết phục được người dùng khó tính cho lắm. Mặc dù độ phân giải khá cao nhưng ảnh bị nhiễu, còn màu sắc đôi khi không chính xác và không sáng bằng iPad và Galaxy Tab. Thực ra, mới đầu màn hình của Xoom trong khá tốt. Các màn hình trang chủ đều dễ đọc, và màu sắc trông khá ổn. Tuy nhiên, khi tới phần hình nền trong trình duyệt Web hoặc ứng dụng Google Books cài đặt sẵn, có vẻ điểm ảnh của các ký tự có vấn đề tuy điều này phụ thuộc vào font chữ sử dụng. Nhiều người nghi ngờ đây là lỗi màn hình hoặc lỗi phân giải điểm ảnh (Motorola nói Xoom có 150 điểm ảnh/inch).
Khả năng phát lại video cũng không được ổn cho lắm. Có nhiều hình giả nhất là khi xem video YouTube (ở cả chế độ chuẩn và độ phân giải cao) và chat video Google Talk qua Wi-Fi (hoặc 3G). Chất lượng ảnh chụp qua camera cũng không được sắc nét mặc dù bạn có nhiều lựa chọn điều chỉnh camera cả máy hơn trước đây. Tuy nhiên, đổi lại phần mềm Gallery của Xoom lại hỗ trợ nhiều định dạng video, trong đó có H.263, H.264, và .mp4; nhưng thật trớ trêu là nó lại không tương thích với file.wmv, vốn được hỗ trợ rất tốt trong các thiết bị Android 2.2 và 2.1 trước đây.
Xoom có hiệu suất hoạt động rất ấn tượng. Bạn có thể dễ dàng di chuyển và di chuyển rất nhanh qua các menu, qua các bộ sưu tập ảnh số rất lớn, và qua chợ ứng dụng Android Market. Ngay cả tốc độ copy tệp tin qua USB cũng ấn tượng. Nếu từng sử dụng iPad, có lẽ bạn rất khó chịu với tốc độ đồng bộ file giữa PC và thiết bị. Còn với Xoom, vấn đề này chỉ là chuyện nhỏ bởi bạn có thể chuyển 700MB ảnh số từ PC vào máy tính bảng chỉ trong vòng 3 phút.
Mặc dù được đánh bóng rất nhiều nhưng có vẻ như Honeycomb vẫn chưa hoạt động tốt với các ứng dụng trên Android Market. Vấn đề này có thể là do màn hình quá lớn của Xoom, và người dùng khó có thể xác định được đâu là ứng dụng đã tối ưu cho Honeycomb. Google Talk cũng hoạt động không ổn định, và Honeycomb chưa hỗ trợ thật tốt định dạng tệp tin .bmp như lời Google nói.
Pin của Xoom chạy được khoảng 10 tiếng khi phát lại video độ phân giải cao, và thời gian sạc pin cũng rất ngắn – chỉ khoảng 3,5 tiếng là sạc đầy. Thử nghiệm thực tế cho thấy máy sạc đầy pin từ mức pin 13% trong vòng chưa tới 3 tiếng.
Nói chung, Xoom là thiết bị Android 3.0 khá ấn tượng nhưng vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Vấn đề tương thích về nền tảng và mạng 4G của Xoom có lẽ sẽ cần thêm bản nâng cấp phần mềm trong tương lai. Ngoài ra, trục trặc về đồ họa và hiển thị video cũng nên được khắc phục càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, có vẻ như lỗi điểm ảnh của màn hình thuộc về vấn đề phần cứng hơn là phần mềm, và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều được. Xoom là chiếc tablet đầu tiên có khả năng cạnh tranh với iPad nhưng việc thiếu chau chuốt các tính năng đã khiến cho nó trở nên yếu thế.
Theo: tinmoi